Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Cặp vợ chồng vớt hơn 300 xác chết trên sông Sài Gòn

Cạnh chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) đỏ tươi màu sơn mới, chiếc ghe cũ của vợ chồng ông Ba Chúc lắt lư theo mỗi nhịp sóng trong mùi hôi của dòng nước đen ngòm. Hơn 30 năm sống cùng dòng sông không biết bao nhiêu lần vợ chồng ông chứng kiến bao người đã mang theo những nỗi cay đắng thị phi khi trầm mình xuống sông.
Hơn nửa đời người sống bằng nghề sông nước, không biết từ khi nào vợ chồng ông Ba Chúc đã gắn bó với việc vớt xác trên sông Sài Gòn. Bất kể lúc nào, bất cứ nơi đâu, khi hay tin có người nhảy cầu, có xác chết trôi, vợ chồng ông luôn cố gắng đến thật nhanh để hy vọng cơ hội cứu thêm mạng người hoặc cho oan hồn kẻ đã khuất bớt lạnh giá. Hơn nửa đời người sống bằng nghề sông nước, không biết từ khi nào vợ chồng ông Ba Chúc đã gắn bó với việc vớt xác trên sông Sài Gòn. Bất kể lúc nào, bất cứ nơi đâu, khi hay tin có người nhảy cầu, có xác chết trôi, vợ chồng ông luôn cố gắng đến thật nhanh để hy vọng cơ hội cứu thêm mạng người hoặc cho oan hồn kẻ đã khuất bớt lạnh giá.

Chọc giận Hà Bá

Ông Ba Chúc tên đầy đủ là Nguyễn Văn Chúc, sinh năm 1957. Còn vợ ông là bà Nguyễn Thị Hinh, sinh năm 1958. 38 năm nên nghĩa vợ chồng cũng là ngần ấy thời gian hai người gắn bó với những khúc sông Sài Gòn này.
Giữa hai cây cầu Bình Lợi tấp nập ngược xuôi, hai vợ chồng ông Chúc như một nốt lặng quý giá của cuộc đời.(Ảnh: Minh Trí)
“Mỗi năm vợ chồng tôi vớt trên dưới cả chục xác người. Hơn 30 năm nhẩm lại thấy nhiều quá. Có người hỏi sợ không? Tôi bảo: Họ cũng là người. Mình làm việc thiện không việc gì phải sợ” - ông Chúc nói rồi hớp ngụm trà xanh, mắt đăm đăm nhìn ra phía cầu Bình Lợi.

Năm 1977, vợ chồng ông Ba Chúc đưa ghe ra đậu dưới chân cầu Bình Triệu. Năm đó cũng là lần đầu tiên hai người cứu được một người phụ nữ tự tử. “Khi tới nơi, tôi thấy dép nổi lên trước, sau đó người mới trồi lên. Hồi đó cũng không biết hô hấp nhân tạo hay cứu chữa gì. Lên tới bờ người ta lẫn mình đều mệt gần xỉu. Chỉ biết gọi công an tới đưa cô ấy về. Lúc này nhìn kỹ mới thấy cô mang nhiều nữ trang, đồng hồ mà mặt buồn lắm. Hỏi ra cô kể vì chuyện chồng có bồ nhí nên nhảy cầu” - bà Hinh nói.

Bà Hinh vẫn rùng mình nhớ lại cảm giác lần đầu vớt xác một người chết sông. Thi thể người đàn ông lạnh toát, trắng bệch nằm lập lờ trong làn nước. Hai vợ chồng phải dùng hết sức một hồi lâu mới lôi được xác vào bờ. Sau lần đó, hai người đỡ sợ hơn nhưng những cái chết cứ ám ảnh khôn nguôi.

Đó là trường hợp về một người mẹ dùng dây cột chặt đứa con vào người mình rồi nhảy xuống sông. Khi ông Ba Chúc đến nơi, đưa tay kéo xác người mẹ thì mới phát hiện thêm xác đứa bé gái 5 tuổi chìm bên dưới. “Hỉ nộ ái ố của nhân sinh. Vì giận gia đình, chồng con mà họ kết thúc cuộc đời mình rồi kéo cả đứa bé vô tội. Nghĩ vừa buồn mà vừa giận” - bà Hinh nói.

Những dáng người ám ảnh

Trải qua bao nhiêu năm sống gần cây cầu Bình Lợi, không biết bao nhiêu lần đã cứu được những người tự tử nhảy từ cây cầu này nên ông bà có một khả năng mà hiếm người có được. Đó là nhìn dáng người hay nghe tiếng động là biết có người nhảy sông tự vẫn.

Họ đưa tay vái ba bốn cái. Họ run rẩy leo lên thành cầu. Họ thẫn thờ như người mất hồn... là cách mà vợ chồng ông quan sát để chuẩn bị nổ ghe ra ứng cứu. Những dáng người ấy vợ chồng ông nhìn thấy rất nhiều. Nó là tín hiệu khác thường khiến vợ chồng ông dù đang làm gì cũng lao mình ra cứu người.

“Con nít 7, 8 tuổi. Thanh niên 19, 20. Đến cả cụ già 80 tuổi cũng còn muốn tự vẫn. Mình chỉ sợ lúc họ nhảy mình không có mặt ở đấy hoặc không hay biết gì” - ông Ba Chúc chiêm nghiệm: “Số người ấy được sống hay chết đều phụ thuộc vào chiếc ghe cả. Nhưng sợ nhất là chiếc ghe không nổ máy. Nếu họ nhảy xuống, mình lao ra giật một cái mà máy nổ thì người đó sống. Còn nếu giật máy đến cái thứ 3 không nổ thì coi như họ đã tới số”.

Cách đây 3 tháng, vợ chồng ông cứu được một cô gái 25 tuổi rất xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, cô gái nói rằng mình bị người yêu phụ bạc. Sau khi nhìn quanh quất, cô mới thốt lên với bà Hinh: “Sao nước sông dơ vậy cô. Con sợ thối, sợ dơ lắm”. Lúc này bà mới đáp: “Nước sông dơ nhưng con chết nằm dưới bùn còn dơ hơn. Bất cứ chuyện gì trên đời từ từ đều giải quyết được hết. Con mà chết như thế này là tội bất hiếu, cha mẹ, anh em sao sống nổi. Có đáng để con bỏ tất cả chỉ vì một lần sóng gió cuộc đời. Cô khổ cực vậy còn muốn sống huống chi con”. Bà nói tới đây, cô gái chỉ biết khóc òa lên mà hứa không tự vẫn nữa.
Mỗi lần cứu được một người lên bờ, hai vợ chồng ông trở thành chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ. “Mình phải khuyên răn, giải thích đủ điều người ta mới hiểu, mới sợ mà không đi tự vẫn lần nữa. Có người chỉ vì người thân không quan tâm, bạn bè phản bội cũng tìm đến cái chết. Thật là giàu nghèo đều có cái nỗi khổ” - bà nói.

Không ít lần vợ chồng ông phải đem đồ cho người nhảy sông mặc rồi bỏ tiền ra thuê xe ôm đi cùng với họ về tận nhà mà không hề tính toán thiệt hơn. Người được cứu sống đem quà, tiền đến báo đáp chưa lần nào ông bà nhận: “Mình làm phước, chứ đâu kiếm tiền. Cứu được một mạng người mình vui lắm. Nhưng nếu không kịp thì ruột cứ đau như đứt từng khúc” - ông nói.

Hạnh phúc đơn sơ

Cũng bởi vì nhiều lần vớt xác, cứu người nên ông Ba Chúc có rất nhiều số điện của công an nhiều khu vực như cầu Sài Gòn, cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu hay tận miệt Bình Phước. Những người đi lượm ve chai, câu cá, lái sà lan cũng có số điện thoại của ông để khi gặp chuyện người họ nhớ đến đầu tiên luôn là ông Ba Chúc. Bởi vậy mà bà nói vui: “Bữa nào ổng đi vắng một tiếng là loạn cả lên. Người gọi chở khách, người gọi mua đồ... Vợ chồng tôi kiểu này còn ở ghe dài dài”.

Mấy năm nay bà bị bệnh, chỉ có mình ông không kéo lưới được, cộng đó vào đó là nước sông ô nhiễm, cá tôm trở nên vắng bóng nên ông chuyển sang nghề “thợ đụng”. Ai kêu gì làm nấy. Phụ hồ, chở khách… miễn có tiền để hai vợ chồng ông sống khỏe mạnh mà cứu người, vớt xác.

“Có chiếc ghe ba mẹ để lại nên cứ thế hai vợ chồng sớm tối làm nghề kiếm cơm”, ông Ba Chúc cười hiền hậu kể tiếp: “Hồi đó chiếc ghe bề ngang chỉ một thước vậy mà vợ chồng với 5 đứa con chen chúc với nhau trong đó. Giờ thì chúng đi lấy chồng rồi. Còn mỗi hai vợ chồng tôi thôi”.
Giấy khen của phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM dành cho ông bà Chúc. (Ảnh: Minh Trí)
Trên chiếc ghe này, ở vị trí trang trọng nhất là những chiếc bằng khen và huy hiệu Hiệp sĩ giao thông do công an của phường tặng. Vài bộ đồ và vài chiếc nồi, chén, đũa. Cuộc sống phải bươn chải, khó khăn, gia tài hơn nửa đời người của vợ chồng ông chỉ có bấy nhiêu đó. Ấy vậy mà, hai người từ hồi lấy nhau đến giờ vẫn chưa lần lớn tiếng với nhau. Bà kể: “Ổng hiền lành, chịu khó”, ông thêm vào: “Bả nấu cơm ngon tôi ăn”. Hai ông bà âu yếm nhìn nhau cười.

Nhiều người được cứu nhận ông bà làm cha mẹ nuôi đã bày tỏ mong muốn được đưa ông bà lên bờ sống không phải lo nghĩ gì nữa. Cách đây không lâu, có một nhà sư thấy hai vợ chồng ông sống nghèo khổ nhưng lại làm việc thiện giúp đời nên có nhã ý muốn được chu cấp, phụng dưỡng vợ chồng ông đến cuối đời. Thế nhưng, những thành ý đó ông bà đều từ chối chỉ vì nghĩ mình còn khỏe, còn kiếm được tiền nuôi bản thân. Và mặc dù không nói ra nhưng mọi người hiểu rằng, ông bà Ba Chúc còn phải túc trực ở chân cầu này để làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của mình.

“Tôi chỉ ước mong vợ tôi khỏe để ngày nấu hai bữa cơm no bụng tôi ăn mà làm việc, mà giúp người”. Câu nói giản dị ấy của ông Ba Chúc khiến người nghe thấy thật ấm lòng. Giữa hai cây cầu Bình Lợi tấp nập ngược xuôi xe cộ, hai vợ chồng ông như một nốt lặng quý giá của cuộc đời mà nếu thiếu đi, Sài Gòn sẽ mất đi một tấm lòng.
Theo Minh Trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét