Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Cấm giao bài tập về nhà: Phụ huynh vừa mừng, vừa lo

Nhiều phụ huynh vui mừng vì từ nay con không phải thức thêm vài tiếng mỗi tối để làm bài tập, con có thời gian nghỉ ngơi, vui đùa. Bên cạnh đó cũng có phụ huynh lo lắng, sợ các con sẽ lười học, không theo kịp chương trình nếu cô không giao bài tập về nhà.
Ngày 3/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, các trường và lớp dạy 2 buổi/ngày hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung trên lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày sẽ không phải làm bài tập về nhà
Mừng, lo lẫn lộn

Có con trai đang học lớp 1, chị Nguyễn Thị Thúy (Thượng Đình – Hà Nội) vui mừng khi hay tin Bộ GD – ĐT quy định cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Chị Thúy cho rằng, quy định này là hoàn toàn hợp lý. Buổi sáng, giáo viên có thể dạy chương trình mới, buổi chiều là thời gian cho các con ôn tập lại. Buổi tối là thời gian cho các con giải trí, vui chơi sau một ngày học căng thẳng.

“Tôi thấy học sinh tiểu học bây giờ học hành căng thẳng quá, cặp sách cháu nào cũng nặng. Trên lớp đã học cả ngày rồi, về nhà lại thêm một đống bài tập nữa, lấy đâu ra thời gian mà vui chơi, giải trí”, chị Thúy nói.

Chị Nguyễn Thị Lý (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết chị cảm thấy nhẹ người khi mỗi tối về thấy con không phải làm bài tập. Chị chia sẻ: Con chị học lớp 3. Cả ngày đi học, tối về lại ngồi học. Nhiều khi muốn cho con đi chơi cũng không dám. "Thấy các con đi học còn vất vả hơn cả người đi làm. Bởi phụ huynh đi làm cả ngày tối còn được nghỉ ngơi, còn con đi học về ăn xong lại ngồi học thêm vài tiếng nữa. Bộ GD – ĐT chỉ thị như vậy là rất hợp lý" - chị Lý chia sẻ.

Trái với sự vui mừng của chị Lý, chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân - Hà Nội) có con học lớp 5, Trường tiểu học Khương Mai (Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng: "Việc không giao bài tập về nhà có nhiều điểm lợi. Nhưng với HS lớp 4, lớp 5, nếu không giao thêm bài tập, tôi sợ các cháu sẽ khó ghi nhớ kiến thức, không thành thạo các phép tính để giải các bài nâng cao".

Không đồng tình, cũng không ủng hộ quy định mới, anh Lương Văn Linh (Hoàn Kiếm – Hà Nội), có con học lớp 3 Trường Võ Thị Sáu – Hà Nội cho rằng: Với những học sinh tiếp thu được bài, giáo viên không cần giao bài về nhà. Nhưng với những học sinh tiếp thu chậm, không hoàn thành bài thì làm thế nào để theo được các bạn cùng lớp, chương trình học?

“Theo tôi, quy định trên chỉ phù hợp với học sinh thông minh, học đâu hiểu đó. Còn với học sinh chậm tiếp thu thì ít hiệu quả”, anh Linh nói.

Linh hoạt trong cách triển khai

Theo một phụ huynh có con học Trường tiểu học Mai Dịch (Hà Nội), không nên cấm hoàn toàn việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Bởi không phải em nào cũng có học lực giống nhau. "Theo tôi cần có sự linh hoạt trong việc giao bài tập về nhà. Với các em có học lực yếu, giáo viên nên cho một phiếu bài để phụ huynh kèm cặp thêm ở nhà" - phụ huynh này nói.

Cô Nguyễn Thị Chi, giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng cho rằng nếu không giao bài tập về nhà giáo viên sẽ nhàn hơn. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng tiếp thu bài như nhau, vì vậy phải tùy thuộc vào từng đối tượng học sinh mà xem xét có giao bài tập về nhà hay không.

“Đối với những học sinh đã làm tốt bài trên lớp thì không cần phải cho thêm. Còn với những em hay quên, kiến thức không chắc, ra thêm bài là cần thiết. Em nào chưa hoàn thành xong bài thì mình sẽ yêu cầu các em về nhà làm”, cô Chi cho hay.

Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Thực ra, việc giảm tải cho học sinh tiểu học bao gồm cả không giao bài tập về nhà cho học sinh đã thực hiện từ vài năm nay. Nhà trường cũng quán triệt giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh".

Theo bà Bình, học sinh học cả ngày đã khá mệt, không nên cho thêm bài tập về nhà khiến các em bị quá tải. Tuy nhiên nhà trường đã triển khai phương pháp phân hóa học sinh trong giờ học giúp các em không phải làm bài tập về nhà mà vẫn tiến bộ trong học tập.

“Những học sinh học lực yếu, kém được phân hóa luôn từ trong giờ học. Học sinh giỏi sẽ đươc giao thêm bài trong giờ hướng dẫn học, học sinh yếu kém sẽ yêu cầu các con hoàn thành trong giờ học buổi chiều, thời gian đó giáo viên sẽ kèm cho các con tiếp thu bài kém”, bà Bình cho hay.
Theo Hồng Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét