“Nếu nói xóa hết sách giáo khoa để làm lại từ đầu thì không được, vì có những quyển sách viết rất hay, phải kế thừa”.
Ông Nguyễn Hữu Tăng, nguyên phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khẳng định tại diễn đàn về giáo dục của Quốc hội diễn ra ngày 6/11.Đề xuất Hội khoa học viết sách giáo khoa
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đổi mới sách giáo khoa không thể làm theo kiểu xóa đi làm lại từ đầu.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đổi mới sách giáo khoa không thể làm theo kiểu xóa đi làm lại từ đầu |
Theo GS Thuyết thay đổi sách giáo khoa và chương trình học nên có lộ trình. Những quyển nào không dùng được nữa nên thay, những quyển dùng được thì giữ lại.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Quyền chủ nhiệm hội đồng tư vấn giáo dục Ủy ban MTTQ Việt Nam dẫn chứng: Những năm qua bao lớp học sinh chương trình ấy, sách đấy nhưng tốt nghiệp THPT xong vẫn làm tốt nhiều việc, được đánh giá cao.
Điều đó có nghĩa là không phải những điều chúng ta có hiện nay là bỏ hết. “Tôi ra thiết đề nghị phải có tính kế thừa, mà muốn kế thừa phải rà soát cái hiện có, cái gì yếu bỏ đi, còn cái gì tốt thì nhất định phải kế thừa” – bà Châu đề nghị.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu băn khoăn khi Bộ GD - ĐT viết một bộ sách sẽ dẫn tới các tổ chức khác lo ngại không cạnh tranh được bộ sách do Bộ viết. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên giao việc viết sách cho một cơ quan trực thuộc bộ, như giao cho nhà xuất bản giáo dục, đảm bảo sự công bằng và không tốn tiền.
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, để có được bộ SGK đạt chất lượng việc thứ nhất phải có chương trình thật tốt, chương trình đó quyết định mọi vấn đề. Sau khi có chương trình tốt thì giao cho các hiệp hội khoa học nghề nghiệp viết sách.
“Tôi kiến nghị chương tình từng môn do hội khoa học làm, bộ duyệt” – GS Dũng đề nghị.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng đề nghị bỏ việc bồi dưỡng giáo viên như lâu nay, vì nó chiếm một khoản kinh phí khá lớn. Nếu bồi đưỡng thì bồi dưỡng đạo đức thầy giáo, triết lý giáo dục, không bồi dưỡng kiến thức từng môn. Mỗi giáo viên hãy tự bồi dưỡng, nhà trường hỗ trợ bằng cách xây dựng thư viện cho giáo viên.
Ai được chọn sách giáo khoa?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cùng với cơ chế xung quanh việc soạn sách thì Bộ cần quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề ai sẽ được chọn khi có nhiều sách giáo khoa.
“Bộ quy định trường chọn là đúng nhưng cần có hướng dẫn. Nếu chỉ là một người, chẳng hạn hiệu trưởng, hiệu phó, có quyền quyết định chọn sách thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực (như sự áp đặt của lãnh đạo hay chiêu tiếp thị của đơn vị viết sách). Tôi nghĩ việc chọn sách phải do tập thể tổ bộ môn lựa chọn. Thầy cô giáo sẽ biết chọn sách nào phù hợp với học sinh của mình,” ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết tán thành việc giao cho trường quyết định lựa chọn SGK vì trường sát học sinh nhất. Trình độ đặc điểm của học sinh như thế nào thì ở trường các thầy, cô sát nhất. Giáo viên sẽ biết những SGK nào tốt cho học sinh của mình nhất.
“Còn trường là ai, tôi nghĩ nếu giao cho ông hiệu trưởng hay bà hiệu phó thì gống như câu chuyện giao cho giám đốc sở thôi. Bởi nếu một người lựa chọn thì không tránh khỏi tính chất chủ quan. Có những trường hợp do Nhà xuất bản tiếp thị quá nhiệt tình nên sự lựa chọn ấy thiếu khách quan đi, thay đổi lãnh đạo cũng có thể thay đổi SGK đã lựa chọn” – GS Thuyết nói.
Theo GS Thuyết tốt nhất nên dựa vào ý kiến bàn thảo và quyết định của các tổ chuyên môn, là những giáo viên trong trường.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Văn Như Cương bày tỏ: “Tôi nghĩ các sở sẽ quyết định chọn và các trường sẽ chọn theo sở vì việc học sách nào sẽ liên quan đến thi cử, mà thi ở phổ thông do các sở ra đề.”
Trước băn khoăn của các chuyên gia, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ có quy định cụ thể về việc chọn sách giáo khoa và hiệu trưởng phải thực hiện đúng quy định này để tránh các vấn đề nảy sinh.
Theo Diệu Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét